Mười bệnh lý thường thấy trong hoạt động thể thao mà viện hàn lâm phẫu thuật viên chỉnh hình Mỹ khuyến cáo, tổn thương dây chằng chéo...
Những tiếng kêu từ khớp nối
Mười bệnh lý thường thấy trong hoạt động thể thao mà viện hàn lâm phẫu thuật viên chỉnh hình Mỹ khuyến cáo, tổn thương dây chằng chéo trước khớp gối và rách sụn chêm khớp gối là hai mối nguy hiểm không chỉ đối với các vận động viên chuyên nghiệp, mà người bình thường cũng dễ gặp phải. Điều đáng nói là những bệnh lý này tại Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến đã có nhiều tai nạn tàn phế rất đau lòng.
Bửng xe máy làm khổ dây chằng |
Xương đùi và xương cẳng chân được giữ chắc bằng hệ thống dây chằng đặc biệt, giúp khớp gối vững và cử động gập duỗi tốt. Có bốn dây chằng chính ở khớp gối: dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, dây chằng bên trong và dây chằng bên ngoài. Chấn thương trực tiếp vào gối hay chấn thương gián tiếp có thể gây ra tổn thương hệ dây chằng này, nhất là trong thể thao. Đứt dây chằng chéo trước và đứt dây chằng chéo sau rất hay gặp ở nước ta, đặc biệt với tai nạn xe gắn máy. Sự che chắn khớp gối với cấu hình bửng xe mong manh bằng nhựa tuy đem lại cảm giác an tâm nhưng không hữu hiệu cho sức khoẻ người đi xe. Cấu hình bửng xe vững chắc giúp phòng tránh tốt hơn chấn thương khớp gối. Trong các chấn thương nặng gây trật khớp gối thì đứt, dãn một lúc các hệ dây chằng chéo trước, chéo sau, bên trong và ngoài hay rách bao khớp rất thường thấy.
Chấn thương gây rách sụn chêm gối hay đứt dây chằng chéo có thể trực tiếp hoặc gián tiếp. Triệu chứng lâm sàng hay gặp là những “tiếng kêu gối” khi xảy ra chấn thương, đau gối, không thể tiếp tục vận động gối được nữa, đau nhiều tăng dần và vài giờ sau khớp gối sưng. Thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng sẽ giúp chẩn đoán ra đứt dây chằng chéo, xác định bởi hình ảnh cộng hưởng từ hay hình ảnh xem trực tiếp qua nội soi ổ khớp gối. Tuỳ mức độ tổn thương, các bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình sẽ giúp quyết định biện pháp điều trị bảo tồn hay phẫu thuật. Việc điều trị bảo tồn bằng nẹp và tập luyện phục hồi chức năng khớp gối nên thực hiện ngay lập tức nhằm tránh teo cơ đùi và cẳng chân, giúp khớp gối cử động vững, lấy lại tầm độ hoạt động khớp gối, đi lại vững và bắt đầu sinh hoạt trở lại. Phẫu thuật chỉ đặt ra khi gối quá lỏng lẻo, ảnh hưởng sinh hoạt và hoạt động thể thao. Phẫu thuật có thể thực hiện qua đường mổ gối dài như trước đây hay qua nội soi khớp gối như hiện nay. Hệ thống dây chằng thường được tái tạo từ chính gân cơ của bệnh nhân (ít khi dùng gân đồng loại từ ngân hàng gân hoặc gân giả). Sự kiên trì tập luyện phục hồi chức năng ngay sau mổ, gia tăng dần cường độ tập cũng giúp lấy lại hoạt động khớp gối, đủ để sinh hoạt bình thường.
Tai nạn rách sụn chêm khớp gối
“Đứt dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau ở khớp gối rất hay gặp ở nước ta, đặc biệt là với các tai nạn do xe gắn máy” |
Sụn chêm như miếng nệm lót che chở mặt sụn, nằm ở giữa đầu dưới xương đùi và đầu trên xương quyển (xương chày), giúp khớp gối chịu lực và cử động êm nhẹ, trơn tru trong các tư thế trượt, gập – duỗi – xoay mọi hướng. Tuy nhiên, khi các cử động đi quá các giới hạn thì sụn chêm dễ bị tổn thương rách, đặc biệt khi gối bị xoay, vặn xoắn, dừng thình lình… Ngay khi bị rách sụn chêm, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau gối, tiếng kêu lách cách trong gối, co duỗi gối bị kẹt thình lình hay không cử động gối được và sưng gối sau đó.
Điều trị ngay tức thì là để bất động cho gối nghỉ, chườm đá, băng ép, gác chân cao và dùng thuốc kháng viêm không phải corticoides. Điều trị bảo tồn thường hữu hiệu trong đa số trường hợp bị tổn thương ngoại biên sụn chêm, nơi mà mạch máu nuôi tốt, giúp quá trình lành các tổn thương sụn chêm dễ xảy ra. Những tổn thương rách sụn chêm ngoại biên chỉ cần cho khớp gối bất động cũng đủ lành. Tuy nhiên, khi điều trị bảo tồn không khỏi, trong trường hợp bệnh nhân có khả năng bị rách nặng hơn sụn chêm, ở vùng khó hồi phục, dạng quay xách… thì khớp gối vẫn tiếp tục sưng, đau, kẹt khớp, giới hạn cử động và cứng khớp. Bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, đặc biệt chuyên khoa nội soi khớp gối có thể giúp phẫu thuật cắt gọt nội soi các tổn thương sụn chêm, may lại các vết rách… Sau phẫu thuật nội soi, khớp gối thường được bất động với nẹp gối. Bệnh nhân cần tích cực tập phục hồi chức năng để lấy lại dần dần biên độ hoạt động gối, sức cơ và sự thăng bằng gối tốt. Mục tiêu xa là phòng ngừa thoái hoá khớp gối. Việc trở lại hoạt động bình thường đòi hỏi phải chờ cho tới khi khớp gối hồi phục hoàn toàn.
PGS.TS.BS Võ Văn Thành
Để khớp gối luôn khoẻ
Sinh hoạt thể thao có mục đích giúp cơ thể khoẻ nhưng không nên lạm dụng thể chất quá mức, sẽ phản lại ý nghĩa. Sự chừng mực trong khi chơi thể thao phải được lưu ý. Trước khi luyện tập, nhất thiết phải tập khởi động toàn thân và khớp gối để khi vận động cơ thể nói chung và khớp gối nói riêng được trơn tru, thuận lợi. Không nên đá chân cao một cách đột ngột để tránh tổn thương khớp gối. Ngoài ra, cũng cần tránh các tư thế dễ gây hại cho khớp gối như ngồi gác chéo chân, ngồi xổm... Động tác quỳ gối hay tập cử tạ mà gánh tạ quá thấp cũng gây hại khớp gối. Khuân vật nặng hay đứng lâu, khớp gối chịu lực không thẳng trục, sẽ gây đau vùng trước gối và làm cho khớp gối nhanh bị thoái hoá...
Khi đã có những vấn đề gãy xương, trật khớp, bong gân, đứt dây chằng thì nên tìm đến các địa chỉ tin cậy để được chăm sóc tốt, điều trị đúng mức, tránh “tiền mất, tật mang”.